TÀI LIỆU CƠ BẢN
QUAN HỆ VIỆT NAM – ITALIA
1. Chính trị:
Việt Nam và Italia chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 23/3/1973. Quan hệ chính trị giữa hai nước từ đầu những năm 90 được củng cố và phát triển. Italia là một trong những nước Tây Âu đầu tiên tích cực ủng hộ việc tăng cường hợp tác giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu, trên các diễn đàn quốc tế lớn cũng như việc bình thường hoá quan hệ giữa Việt Nam và các tổ chức tài chính, thương mại, tiền tệ quốc tế đầu những năm 90. Trong các cuộc tiếp xúc, Lãnh đạo cấp cao Italia khẳng định quyết tâm thúc đẩy quan hệ hợp tác nhiều mặt với Việt Nam, coi Việt Nam là nước ưu tiên phát triển quan hệ ở khu vực Đông Nam Á.
Ngày 21/01/2013, Việt Nam và Italia đã ký Tuyên bố chung về thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược nhân chuyến thăm Italia cấp Nhà nước của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Hai bên đã xây dựng được nhiều cơ chế phối hợp như Đối thoại chiến lược cấp Thứ trưởng Ngoại giao, Đối thoại chính sách quốc phòng cấp Thứ trưởng Quốc phòng, Ủy ban hỗn hợp về hợp tác kinh tế.
Hai bên duy trì thường xuyên các chuyến thăm/tiếp xúc cấp cao, những năm gần đây có:
- Các đoàn Việt Nam thăm Italia: các chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (01/2013), Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải (9/2013), Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng (3/2014), Bộ trưởng Công an Trần Đại Quang (7/2014), Chủ tịch UBTWMTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân (7/2015), Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng (5/2016), Chủ tịch nước Trần Đại Quang (11/2016); Thứ trưởng Bộ Quốc Phòng Việt Nam Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, (4/2017), Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình (5/2017), Phó Thủ tướng Trương Hoà Bình (2018).
- Các đoàn Italia thăm Việt Nam: Bộ trưởng Quốc phòng Giampaolo di Paola (01/2013), Phó Chủ tịch Hạ viện Marina Sereni (01/2014), Thủ tướng Matteo Renzi (6/2014), cựu Thủ tướng Enrico Letta (1/2015), Tổng thống Sergio Mattarella (11/2015), Bộ trưởng Bộ Hạ tầng và Giao thông Graziano Delrio (9/2016), Bộ trưởng Bộ Tư pháp Andrea Orlando (10/2016), Thứ trưởng Bộ Phát triển kinh tế Ivan Scalfarotto (2017), Bộ trưởng Ngoại giao Enzo Moavero Milanesi (2019).
- Các cuộc tiếp xúc bên lề các hội nghị đa phương: Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dự ASEM10 tại Mi-lan và hội đàm với Thủ tướng Matteo Renzi bên lề Hội nghị (10/2014); Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gặp Thủ tướng Matteo Renzi bên lề HN G7 mở rộng (5/2016); Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Phạm Bình Minh gặp Bộ trưởng Ngoại giao Paolo Gentiloni bên lề ASEM11 (7/2016); gặp Chủ nhiệm UBĐN Hạ viện Italia và Chủ nhiệm UBĐN Thượng viện Italia bên lề Đại hội đồng Liên hợp quốc (New York, 9/2016).
Hai bên phối hợp chặt chẽ trên các diễn đàn quốc tế và đa phương như Liên hợp quốc, ASEM, ASEAN – EU, IPU...
2. Kinh tế, thương mại và đầu tư:
Italia là một trong những nước Tây Âu đầu tiên nối lại và phát triển các quan hệ hợp tác với Việt Nam sau thời kỳ ngưng đọng (những năm 1979 - 1989). Kim ngạch thương mại hai chiều tăng đều trong những năm qua, năm 2016 đạt 4,7 tỷ USD; năm 2017 đạt 4,4 tỷ USD. Năm 2018, tổng kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam- Italia đạt 4,67 tỷ USD . Hiện Italia đang là đối tác thương mại lớn thứ 4 của Việt Nam trong khối EU và Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của Italia trong khối ASEAN.
Năm | 2009 | 2010 | 2011 | 2012 | 2013 | 2014 | 2015 | 2016 | 2017 | 2018 |
Tổng giá trị (tỷ USD) | 1,5 | 1,8 | 2,5 | 2,8 | 3,4 | 4,0 | 4,3 | 4,7 | 4,4 | 4,67 |
Tính đến hết năm 2017, Italia đứng thứ 32/128 quốc gia và lãnh thổ đầu tư tại Việt Nam với 86 dự án đầu tư với tổng số vốn là 388 triệu USD chủ yếu trong các ngành: công nghiệp chế biến, chế tạo, giày da, xây dựng, thiết bị vệ sinh, bình nóng lạnh, chế biến thép. Chính phủ Italia đưa Việt Nam vào danh sách 10 thị trường mới nổi ưu tiên phát triển quan hệ thương mại và đầu tư. Ủy ban hỗn hợp về hợp tác kinh tế đã họp phiên đầu tiên tại Hà Nội vào tháng 10/2014, gần nhất là lần thứ 5 vào tháng 12/2018 tại Roma, Italia.
3. Về hợp tác phát triển:
Italia bắt đầu cung cấp ODA cho Việt Nam vào những năm 1980 tập trung vào lĩnh vực ưu tiên gồm: cấp thoát nước, bảo vệ môi trường, phát triển nguồn nhân lực, y tế, hỗ trợ thể chế... Uỷ ban Hỗn hợp về Hợp tác Phát triển Việt Nam – Italia khởi động lại họp tại Roma tháng 12/2009 đã thông qua một số dự án trong các lĩnh vực ưu tiên (y tế, bảo vệ môi trường và hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ).
Tháng 3/2014, Italia thông báo dừng viện trợ phát triển cho Việt Nam cho từng giai đoạn như trước đây và chuyển sang chương trình hỗ trợ theo dự án, tùy thời điểm và điều kiện tài chính, cho các lĩnh vực: đào tạo nghề và phát triển nguồn nhân lực, bảo vệ môi trường và quản lý nguồn nước, hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, y tế. Hiện nay, Chính phủ Italia đang hỗ trợ Việt Nam trong 11 dự án đang triển khai và 6 dự án khác trong giai đoạn chuẩn bị, với tổng số vốn cam kết hơn 100 triệu Euro. Trong đó, đáng chú ý có: Dự án nâng cao năng lực sản xuất và cạnh tranh của doanh nghiệp nhỏ và vừa tại thành phố Hồ Chí Minh, các tỉnh Đồng Nai và Bình Dương, dự án "Hỗ trợ tạo việc làm và hòa nhập xã hội tại các trường dạy nghề Việt Nam"...
4. Hợp tác địa phương
Trong những năm gần đây, quan hệ hợp tác giữa các địa phương hai nước được phát triển tích cực. Nhiều địa phương của hai nước đã ký và triển khai thỏa thuận hợp tác, điển hình là Thành phố Hà Nội – vùng La-di-ô/ Thành phố Rô-ma; Thành phố Hồ Chí Minh – Tu-rin, Thành phố Hải Phòng – vùng Li-gu-ri-a/ Thành phố Giê-nô-va; tỉnh Vĩnh Phúc – Vùng Tốt-xca-na; tỉnh Bình Dương – vùng Ê-mi-li-a Rô-ma-nha; Tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu- Vùng Veneto. Ngoài ra, tỉnh Quãng Ngãi, Phú Yên, Yên Bái, Phú Thọ, thành phố Cần Thơ cũng đang xúc tiến ký thỏa thuận hợp tác với các địa phương của Italia.
Trong những năm gần đây, nhiều hoạt động hỗ trợ kết nối hợp tác địa phương đã được tổ chức như: Tọa đàm Xúc tiến đầu tư tỉnh Thừa Thiên Huế (7/2016), Tọa đàm xúc tiến đầu tư nước ngoài của tỉnh Ninh Thuận (28/9-10/2016), Provincial Road Show tại Milan cho các địa phương Hà Nội, Phú Yên, Cần Thơ, Quảng Ngãi (6/2018)… Trao đổi đoàn giữa các địa phương diễn ra sôi động, trong đó có đoàn chuyên gia Vùng Tut-xca-ni thăm Ninh Thuận (2017) , các đoàn Việt Nam thăm làm việc Italia bao gồm đoàn Thành phố Hồ Chí Minh, Hưng Yên, Cao Bằng, Vĩnh Phúc (năm 2018), Sơn La, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tuyên Quang (nửa đầu năm 2019).
5. Về hợp tác trong lĩnh vực an ninh - quốc phòng, tư pháp:
Cơ chế Đối thoại chính sách quốc phòng cấp Thứ trưởng Quốc phòng đã được thiết lập năm 2014 nhằm thúc đẩy hợp tác nghiên cứu chế tạo, chuyển giao công nghệ sản xuất tàu quân sự và dân sự, hợp tác đào tạo và chia sẻ kinh nghiệm tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc.
Trong lĩnh vực tư pháp và pháp luật, hiện hai nước đang đàm phán ký kết một số hiệp định như: Hiệp định dẫn độ, Hiệp định chuyển giao người bị kết án phạt tù, Hiệp định tương trợ tư pháp hình sự giữa Việt Nam và Italia…
6. Về văn hóa, giáo dục và khoa học – công nghệ:
- Hai bên thường xuyên tổ chức các tuần lễ/tháng văn hoá tại Italia và Việt Nam. Hai nước đã tổ chức thành công sự kiện Năm Việt Nam tại Italia và Năm Italia tại Việt Nam 2013 nhân dịp kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (1973-2013). Việt Nam đã tham dự tích cực tại Triển lãm Toàn cầu Expo 2015 được tổ chức tại Milan (01/5-31/10/2015), có Nhà triển lãm được đánh giá là một trong những nhà trưng bày đẹp nhất tại Expo. Từ năm 2003 đến 2013, Chính phủ Italia phối hợp với UNESCO giúp đỡ Việt Nam trùng tu khu di tích Mỹ Sơn với tổng kinh phí 1,5 triệu USD. Tháng 10/2018, hai bên đã ký Chương trình hợp tác văn hóa 2018 – 2021 và hiện đang chuẩn bị ký kết Chương trình hợp tác giáo dục giai đoạn 2018 – 2021, Hiệp định công nhận văn bằng tương đương Việt Nam – Italia.
- Số lượng sinh viên tại Italia tăng nhanh trong một vài năm gần đây. Hiện có khoảng 1000 sinh viên và nghiên cứu sinh Việt Nam đang học tập tại Italia, tập trung chủ yếu tại khu vực miền Bắc (Milan khoảng 447 người, Trento 200 người, Turin 160 người…). Việt Nam và Italia đã ký kết và thực hiện 72 dự án hợp tác giáo dục, đào tạo. Hàng năm, Bộ Ngoại giao Italia dành cho Việt Nam một số học bổng cho các khoá học tiếng Italia và cao học, mở các khoá học tiếng Italia tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh.
- Từ năm 1998 đến nay, hai bên đã triển khai 05 Chương trình hợp tác về khoa học – công nghệ theo giai đoạn với 80 dự án hợp tác nghiên cứu chung trong các lĩnh vực: bảo tồn, phục chế di tích cổ, công nghệ sinh học và nông nghiệp, nghiên cứu cơ bản và công nghệ thông tin.
7. Du lịch:
Trong bối cảnh mối quan hệ chính trị tốt đẹp cùng chính sách thu hút du lịch của Việt Nam trong những năm qua, Việt Nam đang nổi lên là một trong những địa điểm du lịch chính tại châu Á, thu hút du khách Italia và Italia cũng luôn là một trong những điểm đến hàng đầu của du khách Việt Nam khi thăm quan châu Âu. Năm 2018 đã có gần 65.000 khách Italia đến Việt Nam.
8. Cộng đồng người Việt Nam tại Italia:
Hiện có khoảng gần 5000 người Việt Nam cư trú ổn định tại Italia. Tại một số địa phương như Emilia Romagna, Torino, cộng đồng người Việt đã đóng góp tích cực trong việc quảng bá Việt Nam tại Italia, làm cầu nối thúc đẩy quan hệ song phương.
9. Một số hiệp định ký kết:
Hiệp định khung về Hợp tác Kinh tế, Công nghiệp và Kỹ thuật (1989); Hiệp định Khuyến khích và Bảo hộ đầu tư (1990); Hiệp định Hợp tác Văn hoá (1990); Hiệp định khung về hợp tác khoa học – công nghệ (1992); Hiệp định hoãn nợ (8/1994); Hiệp định tránh đánh thuế hai lần (11/1996); Hiệp định Hợp tác về Con nuôi (13/6/2003); Hiệp định về Hợp tác Du lịch (2009); Hiệp định miễn thị thực cho người mang hộ chiếu ngoại giao (2010); Hiệp định chuyển đổi nợ (2010); MOU hợp tác giữa Việt Nam và Vùng Lombardia (2010); Hiệp định vận tải hàng không (2013); Hiệp định về hợp tác đấu tranh phòng, chống tội phạm (2014), Hiệp định hợp tác và tương trợ hành chính trong lĩnh vực hải quan (2015); Kế hoạch hành động triển khai quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam – I-ta-li-a giai đoạn 2017-2018 (11/2016)./.